CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỂ DỤC THỂ THAO

TRUNG TÂM DẠY ĐÁ BÓNG NAM VIỆT

CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ

I.  KHÁI NIỆM CHUNG

  1. Chiến lược: Chiến lược trong bóng đá là phương châm và kế hoạch tổ chức, sử dụng lực lượng của đội mình để đạt được mục đích cuối cùng trong một mùa giải.

Chiến lược bao gồm chiến thuật và đội hình chiến thuật.

  1. Chiến thuật: Chiến thuật là nghệ thuật tổ chức phối hợp của các cầu thủ trong thi đấu. Nội dung của chiến thuật là xác định những biện pháp, phương pháp và hình thức thi đấu phù hợp nhất với tình huống cụ thể cả trận đấu và bảo đảm thành quả của chiến lược.

Chiến thuật là một phần của chiến lược nó phụ thuộc và phục vụ cho mục đích của chiến lược. Nếu chiến lược là mục đích cuối cùng thì chiến thuật giải quyết những nhiệm vụ trong từng trận đấu.

Chiến thuật thi đấu không phức tạp, hình thức và nội dung của chiến thuật không nhiều nhưng việc vận dụng chiến thuật trong các điều kiện cụ thể là rất phức tạp, khó khăn và phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của cầu thủ, huấn luyện viên.

  1. Đội hình chiến thuật: Đội hình chiến thuật là hình thức tiến hành thi đấu với sự phân công vị trí và nhiệm vụ chiến thuật nhất định cho từng cá nhân, nhóm và toàn đội. Đội hình chiến thuật phục vụ cho ý đồ chiến thuật và chiến lược.

Đội hình chiến thuật có thể thay đổi theo từng trận đấu hoặc theo từng nhiệm vụ cụ thể. Trong bóng đá đội hình chiến thuật luôn luôn có sự thay đổi và hòan thiện. Đội hình chiến thuật có vai trò rất quan trọng, là cái khung để cầu thủ hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong đội nhưng đội hình chiến thuật không phải là yếu tố quyết định chiến thắng.

  1. Phong cách thi đấu: Các đội bóng trong thi đấu có thể giống nhau về chiến thuật hoặc giống nhau về đội hình nhưng mỗi đội có sự thể bản sắc riêng của mình trong việc vận dụng và sử dụng chiến thuật cũng như đội hình chiến thuật. Điều này tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn của bóng đá.

II.  QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CHIẾN THUẬT BÓNG ĐÁ.

Cũng với sự phát triển không ngừng của môn bóng đá hiện nay, chiến thuật bóng đá cũng được từng bước hình thành và hoàn thiện.

Trong giai đoạn ban đầu thi đấu bóng đá chỉ nhằm mục đích duy nhất là giành chiến thắng. Vì vậy, người ta thường không quan tâm đến việc áp dụng các chiến thuật thi đấu và các đội chỉ sắp xếp theo một đội hình đơn giản nhất. Khi mọi người bắt đầu chú ý đến việc phối hợp để đạt được hiệu quả cao hơn thì các cầu thủ trên sân mới bắt đầu có sự phân công hợp lý: có chuyền bóng, có đỡ bóng, có tấn công, có phòng thủ để rồi từng bước hình thành và hoàn thiện những chiến thuật công, thủ rõ ràng. Điều này không chỉ giúp các đấu thủ phát triển kỹ thuật đá bóng, mà còn giúp họ tăng cường tính hiệu quả và sự phong phú của các chiến thuật được sử dụng.

Quá trình phát triển của chiến thuật bóng đá có thể được chia ra làm các giai đoạn sau:

  1. Giai đoạn 1 (từ năm 1863 đến năm 1924) là giai đoạn hình thành và thử nghiệm của các chiến thuật bóng đá.

Các đội hình chủ yếu bao gồm: 9 tiền đạo 1 hậu  vệ; 8 tiền đạo 2 hậu vệ; 7 tiền đạo 3 hậu vệ; 6 tiền đạo 4 hậu vệ; bố trí theo đội hình “hình tháp ngược” (trên to dưới bé).

Đặc điểm chiến thuật: Các cầu thủ được bố trí trên những vị trí cố định với các nhiệm vụ được phân công một cách máy móc và đơn thuần. Do trong đội hình này số người tấn công và phòng thủ chênh lệch nhau rất nhiều, cho nên các cầu thủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tác động của Luật việt vị. Đội hình này có lối đá và chiến thuật cứng nhắc, thi đấu chủ yếu là dẫn bóng xông thẳng lên và hầu như không có sự phối hợp chiến thuật giữa các cầu thủ. Cùng với sự phát triển của môn bóng đá và để đáp ứng yêu cầu thực tế thì cuối cùng các cầu thủ cũng đã có những khái niệm về công, thủ và sự phân công máy móc đơn thuần trước kia cũng dần dần mất đi để thay vào đó là sự phân công bố trí hợp lý và biến hóa hơn so với thời kỳ cổ đại. Trong giai đoạn này bóng đá đã có được một sự biến đổi rõ rệt.

  1. Giai đoạn 2 (từ 1925 đến năm 1953) là giai đoạn phát triển và ổn định của chiến thuật bóng đá.

Đội hình chủ yếu trong giai đoạn này là đội hình WM.

Đặc điểm chiến thuật: Sắp xếp vị trí rõ ràng, phân công trách nhiệm hợp lý, lực lượng công, thủ cân bằng, cường độ vận động của các cầu thủ ở mức độ như nhau. Trong đội hình này sức mạnh chủ yếu tập trung ở khu trung tuyến (phần giữa sân).

Khi tiến công, hậu vệ không tiến sang nửa phần sân của đối phương còn khi phòng thủ tiền đạo cũng không lùi về nửa phần sân của mình. Tuy nhiên, do số người tập trung ở gần 2 khu phạt đền ít cho nên khó tạo được sức ép và khó thay đổi vị trí. Tấn công chủ yếu là sử dụng các đường chuyền dài để xông lên, khe hở giữa hàng phòng thủ lớn và dứt điểm chủ yếu là sút bóng mạnh vào cầu môn. Có thể nói đây là một chiến thuật hết sức đơn điệu.

  1. Giai đoạn 3 (từ năm 1954 đến nay) là giai đoạn sáng tạo, phát triển và hoàn thiện của chiến thuật bóng đá.

Đội hình chủ yếu bao gồm: 4 – 2 – 4; 4 – 3 – 3; 4 – 4 – 2; 3 – 5 – 2; 5 – 3 – 2; và một số biến thể của các đội hình cơ bản trên.

Đặc điểm chiến thuật:

-Tăng cường được sức mạnh và sự phối hợp trong khu phạt đền.

-Số lượng tiền đạo ít đi, số người ở tuyến giữa và tuyến sau tăng lên, đồng thời sự uy hiếp trong tiến công bằng cách phục ngầm ở tuyến 2 và tuyến 3 cũng tăng lên.

-Đội hình biến hóa linh hoạt đa dạng.

-Rất có lợi cho việc triển khai một lối đá toàn diện.

Những  nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện chiến thuật là:

-Phương pháp thi đấu và các điều luật đã được sửa đổi, hoàn thiện. Ví dụ: sự thay đổi từ một đội hình 9 tiền đạo 1 hậu vệ sang đội hình WM là một thời đã từng thống trị trong làng bóng đá thế giới, chủ yếu là do sự tác động của các phương pháp và các điều luật thi đấu.

-Việc nâng cao trình độ kỹ thuật, cải tiến hoàn thiện chiến thuật và tăng cường các tố chất thể lực, đòi hỏi phải có mội đội hình mới để thực hiện. Đội hình mới lạ lại thúc đẩy và làm nảy sinh những kỹ, chiến thuật mới. Những kỹ, chiến thuật mới này từng bước được hoàn thiện, tác động lẫn nhau và điều này đã thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của chiến thuật bóng đá.

-Để giành được thắng lợi trong thi đấu, các đội đều cố gắng sáng tạo ra một loại hình chiến thuật mới và điều này luôn là điểm đột phá chủ yếu để mở ra con đường dẫn đến chiến thắng. Ví dụ năm 1872 đội Scotlan đã áp dụng đội hình 6 tiền đạo 4 hậu vệ để đánh bại đội hình 7 tiền đạo 3 hậu vệ cỉa đội Anh với tỉ số 3 : 2 và kể từ đó các đội đã bắt đầu chú trọng tới việc cải tiến đội hình. Năm 1954 người Hungary dựa trên cơ sở của chiến thuật phòng thủ WM đã đưa ra một chiến thuật với “4 tiền đạo” và đã 2 lần đánh bại đội Anh. Năm 1958 đội Brazil lại dùng chiến thuật 4 – 2 – 4 để đối phó với chiến thuật 4 tiền đạo trên. Đến năm 1974, Hà Lan, Tây Đức lại áp dụng chiến thuật 1 – 3 – 3 – 3 (1 hậu vệ tự do, 3 tiền hậu vệ, 3 tiền vệ, 3 tiền đạo) để mở ra một thời kỳ phát triển mới với lối đá tổng lực (toàn đội tấn công, toàn đội phòng thủ). Nói chung họ đều sử dụng những lối đá biến hóa với những đội hình chiến thuật mới để giải quyết những vần đề còn tồn tại trong tấn công và phòng thủ nhằm phát huy tối đa sở trường và hạn chế tới mức tối thiểu những nhược điểm để thu được những kết quả cao nhất.

-Để phát huy được đầy đủ sức mạnh của toàn đội và sở trường của mỗi cá nhân, các đội đều tranh thủ giành quyền chủ động để kiềm chế đối phương bằng cách đưa vào áp dụng những đội hình chiến thuật mới, hoặc đa dạng hóa việc triển khai thực hiện các đội hình chiến thuật cũ để thu được hiệu quả cao hơn. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của chiến thuật bóng đá.

Nói chung việc sắp xếp, bố trí đội hình là một trong các yếu tố cơ bản để tạo thành chiến thuật thi đấu. Trải qua quá trình phân tích, nghiên cứu trên thực tế, các chuyên gia sẽ từng bước nắm vững được qui luật hoạt động của nó để tổng kết, qui nạp và tạo ra những đội hình chiến thuật mới toàn diện hơn, khoa học hơn. Những đội hình chiến thuật mới này lại được vận dụng một cách sáng tạo vào trong thi đấu làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động tấn công và phòng thủ, đẩy mạnh sự phát triển của kỹ, chiến thuật để không ngừng nâng cao trình độ và tính hấp dẫn trong thi đấu.

III. CHIẾN THUẬT.

1.  Phân loại chiến thuật.

Chiến thuật bóng đá được chia làm hai loại: Chiến thuật tấn công và chiến thuật phòng ngự.

 2.       Mối quan hệ của chiến thuật.

Hiệu quả thi đấu trong bóng đá phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó có chiến thuật, do đó khi xây dựng chiến thuật thi đấu cần dựa trên các nguyên lý sau.

2.1 Chiến thuật và kỹ thuật:

Chiến thuật không thể tồn tại được nếu không có kỹ thuật . Lịch sử phát triển của kỹ thuật liên quan đến sự phát triển của chiến thuật . Sự lựa chọn chiến thuật trong bóng đá phải dựa trên

– Khả năng kỹ thuật của các cầu thủ đội mình và đội đối phương.

– Thể lực, tầm vóc của cả hai đội.

– Luật bóng đá.

– Nắm vững chiến thuật của đối phương.

– Nắm vững những điều kiện khác nhau như: thời tiết, chất lượng, kích thước sân bãi, vị trí chiến lược của trận đấu.

– Tâm lý chiến thuật.

Chiến thuật không thể tồn tại được nếu không có kỹ thuật. Lịch sử phát triển của kỹ thuật liên quan với sự phát triển của chiến thuật.

Ngày nay, kỹ thuật bóng đá phát triển không còn nhanh như trước nữa. Song, mối liên hệ giữa nó với chiến thuật vẫn rất chặt chẽ, hơn bao giờ hết mối quan hệ này ngày càng gắn bó.

Chiến thuật bao giờ cũng hình thành nhanh hơn, còn trình độ kỹ thuật muốn nâng lên đòi hỏi phải có thời gian tập luyện lâu dài hơn. Khi lựa chọn chiến thuật trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải tạo điều kiện đưa khả năng kỹ thuật của vận động viên vào thực hiện ý đồ đó. Rất nhiều huấn luyện viên mắc sai lầm là đề ra chiến thuật cao hơn khả năng kỹ thuật sẵn có của vận động viên khiến họ không thể thực hiện được.

2.2. Chiến thuật và thể lực:

Trong khi đặt kế hoạch chiến thuật, một yếu tố quan trọng không thể không xét đến là thể lực của các cầu thủ. Kỹ thuật điêu luyện mà thiếu thể lực thì kết quả đạt được cũng chỉ là tạm thời. Đừng hy vọng chiến thuật thành công nếu từng cầu thủ không được chuẩn bị đầy đủ về thể lực. Thể lực là điều quyết định thực hiện những yếu tố cơ bản của chiến thuật.

Trong khi xét về trình độ thể lực của đội mình để sắp xếp chiến thuật cũng cần phải xếp cả về thể lực của đối phương.

2.3. Chiến thuật với các điều kiện khác:

Bóng đá luôn luôn phải chịu những thay đổi của ngoại cảnh. Mỗi trận đấu có một ngoại cảnh khác biệt. Chúng ta hãy xét những ngoại cảnh tác dụng vào bóng đá.

Trước hết phải nói đến kích thước, chất lượng sân bóng “sân nhà” đã thích hợp với chiến thuật của đội chủ nhà, đó chính là điểm lợi thế “sân nhà” trong thi đấu bóng đá. Do đó, cần phải tìm hiểu sâu sắc sân bãi để sử dụng chiến thuật đúng mỗi khi thi đấu trên sân của đối phương.

Chất lượng mặt sân không chỉ tác dụng tới đường bóng, độ nảy của bóng, kỹ thuật khống chế, dẫn, sút bóng…mà còn ảnh hưởng đến thể lực của các cầu thủ (sân cứng, mềm, trơn), do đó cần phải có chiến thuật thích hợp với từng loại sân.

– Thời tiết.

– Độ cao của sân bóng.

– Khán giả.

– Tính chất trận đấu.

2.4. Chiến thuật và luật bóng đá:

Nắm vững luật bóng đá cũng sẽ giúp cho vận động viên nâng cao chất lượng chiến thuật cá nhân và đồng đội; hoặc ngược lại không nắm vững luật cũng sẽ gặp những bất lợi không nhỏ.

Chỉ biết luật bóng đá trên lý thuyết sẽ không đủ, cần phải nắm vững nó một cách sâu sắc, vận dụng trong mọi tình huống thi đấu.

Ví dụ: – Đá phạt nhanh làm cho đối phương không có thời gian chấn chỉnh tuyến phòng ngự.

– Ném biên nhanh làm cho hàng phòng ngự đối phương rối loạn, tạo nhiều sơ hở.

– Luật “việt vị” áp dụng cho cả hàng tiền đạo và phòng ngự, hậu vệ có chiến thuật bắt “việt  vị” để cản trở tấn công của đối phương, còn hàng tấn công biết lợi dụng đặc điểm của quả ném biên, thủ môn phát bóng, phạt góc không có việt vị để áp sát khung thành đối phương…

– Luật lợi thế, luật sử dụng sức mạnh va chạm hợp lý, luật bảo vệ thủ môn là những điều rất quan trọng trong việc áp dụng luật vào chiến thuật.

2.5. Chiến thuật chống chiến thuật:

Khi xếp đội hình cũng như khi đề ra chiến thuật không được bỏ qua khả năng của đối phương vì đối phương cũng chuẩn bị chiến thuật. Chiến thuật ứng dụng là loại chiến thuật mà không những có thể sử dụng nó tốt nhất mà mặt khác cũng phải được đối phương “cho phép”, hay nói một cách khác là đối phương trong một chừng mực nào đó phải bó tay.

3. Phương pháp áp dụng chiến thuật:

Hình thức và nội dung của các chiến thuật cơ bản trong bóng đá không phức tạp, dễ nắm vững và thường duy trì trong thời gian dài. Những để vận dụng được các chiến thuật cơ bản đó vào từng trận đấu một cách đúng đắn, hợp lý nhất mới là vấn đề quan trọng, khó khăn và phức tạp. Vì tuy cùng một chiến thuật cơ bản nhưng sẽ được vận dụng khác nhau trong điều kiện, đối tượng khác nhau. Cho nên không có một phương pháp vận dụng cố định, thật chính xác. Dưới đây là một số điểm cần chú ý trong vận dụng chiến thuật.

* Nắm vững các nguyên lý chiến thuật.

Các nguyên lý chiến thuật là cơ sở để xây dựng chiến thuật, tuân thủ nghiêm khắc các nguyên tắc này là một đảm bảo cho việc thực hiện thành công chiến thuật.

  • 3.1.Chủ động:

Giữ thế chủ động trong trận đấu là yếu tố rất quan trọng vì buộc được đối phương phải chơi theo ý đồ chiến thuật của mình. Chủ động trong vận dụng chiến thuật được thể hiện ở chỗ: Các yếu tố tác động đến trận đấu được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng. Toàn đội có ý chí và quyết tâm cao trong vận dụng, xây dựng các phương án chiến thuật và chủ động trong việc thay đổi chiến thuật.

  • 3.2.Linh hoạt:

Việc vận dụng linh hoạt chiến thuật có thể làm thay đổi cục diện trận đấu do đó vận dụng chiến thuật cần linh hoạt tránh cứng nhắc. Để có sự linh hoạt trong vận dụng chiến thuật cần chú ý. Cần có các phương án chiến thuật khác nhau và các cầu thủ được rèn luyện thành thạo các phương án này, đồng thời huấn luyện viên phải nắm chắc trận đấu và chỉ đạo kịp thời.

  • 3.3.Có kế hoạch:

Không có kế hoạch chuẩn bị cho việc vận dụng chiến thuật thì không thể thu được thành tích tốt trong thi đấu. Trước thi đấu cần phải có kế hoạch chung cho cả giải và cho từng trận đấu. Trong một trận đấu cần có kế hoạch giữa các cầu thủ lúc tấn công và phòng thủ, thậm chí từng cầu thủ cũng cần phải có nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể

Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •