Các giai đoạn dạy học bóng đá
Quá trình dạy học môn bóng đá có thể được chia ra làm ba giai đoạn: Dạy học ban đầu, giai đoạn củng cố và giai đoạn hoàn thiện.
3.1 Dạy học ban đầu.
Dạy học ban đầu nhằm mục đích : Tạo những khái niệm rõ ràng và chuẩn xác về động tác được học và tạo những kỹ năng ban đầu về thực hiện động tác. Trong giai đoạn này có những nhiệm vụ sau :
– Tạo những khái niệm chung về kỹ thuật động tác.
– Tập luyện từng phần động tác rồi toàn bộ động tác với nhịp điệu chậm.
– Sửa chữa các sai lầm trong thực hiện kỹ thuật động tác.
– Hình thành nhịp điệu chung của động tác.
Các phương pháp thường được áp dụng trong giai đoạn này là :
– Phương pháp lời nói, phương pháp trực quan nhằm tạo hứng thú và khái niệm chung về kỹ thuật động tác cho người học đồng thời để sửa chữa sai lầm mắc phải.
– Phương pháp bài tập : Trong giai đoạn này đóng vai trò chủ yếu là phương pháp nguyên vẹn và phân chia (tuỳ theo độ phức tạp của kỹ thuật động tác).
– Phương pháp bổ trợ : Dùng các bài tập tương tự hoặc thiết bị hỗ trợ giúp cho người học hình thành động tác được thuận lợi.
Trong giai đoạn dạy học ban đầu cần chú ý các điểm sau :
– Khi giao nhiệm vụ tập luyện phải rõ ràng.
– Phải đảm bảo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó
(từ không bóng đến có bóng, từ chậm sang nhanh…).
– Phải tạo được khái niệm chuẩn xác và nguyên vẹn về kỹ thuật động tác. Do đó, phải giới thiệu chậm toàn bộ hoặc từng phần kỹ thuật với sự giải thích ngắn gọn nguyên lý động tác.
– Khi ngươi tập đã thực hiện động tác không có sai sót cơ bản có thể chuyển sang giai đoạn sau, không nên dừng quá lâu ở giai đoạn này.
– Trong giai đoạn này tập trung sửa chữa những khuyết điểm lớn cơ bản.
Người học ở giai đoạn này thường mắc những sai sót như :
– Hiểu sai động tác, chưa tự kiểm tra được việc thực hiện động tác.
– Thể lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
– Do tâm lý sợ hãi khi thực hiện động tác.
Để khắc phục những sai sót trên trong quá trình giảng dạy cần lưu ý các điểm sau:
– Thị phạm phải chính xác, đẹp, giải thích rõ ràng, chọn vị trí thị phạm thích hợp kết hợp với các phương pháp trực quan khác. Đồng thời sử dụng phương pháp tư duy để người tập hiểu đúng động tác.
– Trong quá trình tập cần có thông tin tức thời cho người tập, nhận xét đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của người tập sau khi thực hiện bài tập.
– Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc giảng dạy. Phương pháp giảng dạy và bài tập phải áp dụng hợp lý.
– Giảng dạy kỹ thuật phải đi đôi với rèn luyện thể lực và ý chí.
3.2 Giai đoạn củng cố.
Mục đích của giai đoạn này là đảm bảo độ ổn định khi thực hiện được toàn bộ động tác. Nhiệm vụ của giai đoạn này là :
– Nắm vững động tác được học về nhịp điệu thực hiện, về không gian và thời gian.
– Thực hiện động tác kỹ thuật trong điều kiện gần giống thi đấu.
Trong giai đoạn này các phương pháp giảng dạy sau thường được sử dụng :
– Phương pháp tập luyện nguyên vẹn chủ yếu nhằm nâng cao tính nhịp điệu và độ chính xác của động tác.
– Phương pháp giảng giải và trực quan để sửa chữa những khuyết điểm và đi sâu vào chi tiết động tác.
– Phương pháp lặp lại ổn định nhằm xây dựng định hình kỹ thuật động tác vững chắc.
– Phương pháp biến đổi nhằm nâng cao khả năng vận dụng kỹ thuật động tác được học.
Trong giai đoạn này động tác kỹ thuật chưa bền vững và ổn định bền vững nên cần chú ý một số điểm sau :
– Tăng cường đánh giá và tự đánh giá kết quả thực hiện động tác.
– Do động tác chưa bền vững cần lặp lại nhiều do đó cần giáo dục ý thức tự giác và kiên trì rèn luyện.
– Việc phức tạp hoá điều kiện thực hiện cần phải theo nguyên tắc tăng dần và dễ tiếp thu để tránh phá vỡ động tác kỹ thuật đã hình thành.
Khi kỹ thuật động tác đã ổn định có thể chuyển sang giai đoạn sau.
3.3 Giai đoạn tiếp tục củng cố và hoàn thiện.
Mục đích của giai đoạn này là làm cho động tác kỹ thuật trở nên bền vững và có thể áp dụng trong thực tiễn thi đấu. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này cần tiến hành tập luyện động tác trong các điều kiện khác nhau làm cho kỹ thuật trở nên tự động hoá và phù hợp với đặc điểm cá nhân.
Phương pháp giảng dạy được sử dụng trong giảng giải này là :
– Phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu. Tuỳ thuộc vào mức độ ổn định và mức độ hoàn thiện của động tác mà cách thức tiến hành trò chơi và thi đấu khác nhau.
– Phương pháp lặp lại và phương pháp biến đổi.
– Phương pháp vận động tư duy nhằm làm cho động tác thích ứng với đặc điểm cá nhân.
Trong giai đoạn này của giảng dạy kỹ thuật động tác ngoài việc đạt được sự điêu luyện động tác cần phải thường xuyên chú ý kết hợp với rèn luyện chiến thuật và thể lực. Những yếu tố này giúp động tác hoàn hảo hơn và có ý nghĩa hơn trong thực tiễn thi đấu.
Giai đoạn hoàn thiện là giai đoạn kết thúc của quá trình dạy động tác. Tuy nhiên, giai đoạn này trên thực tế là không có kết thúc, trong thực tiễn tập luyện và thi đấu kỹ thuật động tác ngày càng hoàn hảo và điêu luyện hơn.
Trên đây là ba giai đoạn dạy học động tác kỹ chiến thuật bóng đá, từ khi bắt đầu dạy mới, tới củng cố. tiếp tục củng cố và hoàn thiện. Quý thầy cô phải tuân thủ qua ba gia đoạn như thế vđv bóng đá mới thuần thủ, trở thành kỹ năng.